“Vaccine” Điện năng lượng mặt trời: Bước tiến an toàn giúp doanh nghiệp đạt chứng chỉ xanh
Việc áp thuế carbon lên hàng hóa và dịch vụ sẽ làm giảm lượng phát thải khí nhà kính. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh phải chuyển qua chọn lựa các nguồn năng lượng sạch – điện năng lượng mặt trời. Thuế carbon cũng khiến các ngành công nghiệp chuyển đổi sản xuất, tìm ra những cách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải carbon.
Thuế Carbon – Sức ép đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
“Thuế carbon” là loại thuế đánh trên cơ sở lượng khí thải carbon tương đương phát ra trong quá trình sản xuất một đơn vị hàng hóa và các dịch vụ liên quan như chế biến, đóng gói và vận chuyển hay cả hoạt động logistics, đến tay người tiêu thụ. Có thể xem thuế carbon là một loại thuế phạt theo mức độ gây ô nhiễm, chủ yếu dựa vào nguyên tắc “Người gây ô nhiễm trả tiền (Polluter-Pays Principle – PPP)”.
Mặc dù sắp tới EU mới dự kiến áp dụng thuế carbon đối với một số mặt hàng công nghiệp như thép, xi măng, luyện kim, giấy, thủy tinh nhưng không ai có thể chắc chắn rằng trong tương lai, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông – lâm – thủy sản, dệt may, da giày sẽ không bị đánh thuế. Việc đánh thuế carbon các sản phẩm và hàng hóa này chưa đặt ra nhưng sẽ thực hiện trong vài ba năm tới khi số lượng các quốc áp dụng thuế carbon nhiều hơn và công cụ kiểm chứng carbon hoàn chỉnh hơn.
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp dụng thuế carbon các mặt hàng nhập khẩu vào các nước EU vào năm 2023-2026. Điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh hàng hóa từ Việt Nam với các nước khác. Trước những thông tin này, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải có những chuẩn bị và thay đổi dần. Mặc dù đây là một việc khó khăn nhưng cần có những chính sách phù hợp từ phía Chính phủ như phải giảm mạnh đầu tư công trình nhiệt điện và khuyến khích năng lượng tái tạo, song hành với sản xuất sạch hơn. ( Nguồn: thesaigontimes.vn)
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dịch chuyển sang mô hình “tự sản, tự tiêu”. Điển hình như mô hình trang trại điện năng lượng mặt trời của Vinamilk, đã nắm được vấn đề và có những bước chủ động như trực tiếp mua điện năng lượng mặt trời, hoặc tự lắp các tấm quang năng. Dự kiến của Vinamilk là đến cuối năm 2021, triển khai trên tất cả 12 trang trại nuôi bò sữa cả nước hệ thống điện năng lượng mặt trời và hệ thống xử lý chất thải thành biogas như một phần trong chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Khi đó, họ có những “chứng chỉ xanh”, có thể hưởng nhẹ mức thuế carbon khi đưa hàng hóa vào các thị trường lớn như EU và Mỹ.
Điện năng lượng mặt trời: yếu tố thuận lợi thu hút nhà đầu tư
Tăng trưởng kinh tế và dòng vốn từ FDI đã làm tăng vọt nhu cầu về năng lượng điện. Trong bối cảnh các nguồn điện trong nước còn hạn chế, những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển hướng thúc đẩy năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện năng lượng mặt trời và hiện giờ là gió.
Bùng nổ năng lượng sạch tại Việt Nam là do nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là từ các tập đoàn cung ứng hàng tiêu dùng có thương hiệu đang tìm kiếm “chuỗi cung ứng xanh” để đáp ứng các yêu cầu của thị trường về hàng hóa thân thiện hơn với môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư mới vào các khu công nghiệp của Việt Nam đã được chi cho lĩnh vực điện năng lượng mặt trời trên mái nhà như một giải pháp khắc phục nhanh chóng, phù hợp với khí hậu để đáp ứng nhu cầu điện cho chính các khu công nghiệp này và thị hiếu “xanh hóa” của khách hàng.
Biến động kinh tế do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây tác động trực tiếp đến nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới, tuy nhiên đi ngược dòng tăng trưởng âm đó, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng duy nhất duy trì được mức tăng trưởng dương. Lý do quan trọng lý giải điều này chính là khả năng sinh lời từ việc đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo, cụ thể là điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Xét riêng tại Việt Nam, khoản lợi nhuận đầu tiên có thể kể đến chính là phần chi phí mà nhà đầu tư tiết kiệm được khi sử dụng điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà thay cho nguồn điện truyền thống, chưa kể đến phần thu nhập từ lượng điện dư đẩy lưới được EVN mua lại.
Doanh nghiệp sản xuất tích hợp hệ thống điện mặt trời sẽ tận dụng tối đa phần diện tích mái. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đồng thời là con đường ngắn nhất để tiếp cận ” chứng chỉ xanh” khi xuất khẩu sang các thị trường đánh thuế carbon.
Có thể nói, với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lắp điện năng lượng mặt trời hiện nay, chính là hướng đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp, vì một tương lai phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.