28 11-2021

Ngành điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam sau hội nghị COP26


Đã đến lúc điện năng lượng tái tạo – điện năng lượng mặt trời, điện gió lên ngôi, điện than thoái trào, đó chính là một bước tiến trong hành trình đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Điện than – đe dọa mục tiêu “phát thải ròng bằng 0″

Đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trong phát triển nguồn điện trên toàn cầu. Đặc biệt, trong năm 2020, công suất nguồn điện lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo chiếm 83%, trong khi từ năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân chỉ chiếm 17%. Điều này cho thấy điện than đang dần thoái trào và “nhường đất” để năng lượng sạch lên ngôi, phù hợp với xu thế phát triển năng lượng tương lai trên thế giới.

Thế giới đang dần loại bỏ điện than, trong khi Việt Nam đang làm điều ngược lại.

Mười năm trước, điện than chỉ đóng vai trò thứ yếu trong lưới điện quốc gia, khi chỉ đóng góp 17,6% sản lượng, kém xa so với điện khí (49,4%) và thủy điện (30,1%). Nhưng chỉ cần một thập niên liên tục mở rộng công suất, điện than đã là “quân vương” tại Việt Nam khi đóng góp đến 52,9% sản lượng điện, vượt qua thủy điện (25,5%) và “dìm” điện khí xuống hàng thứ yếu (chỉ còn 15,7%).

Tỷ trọng sản lượng điện than của Việt Nam hiện đã cao gấp 1,6 lần mức trung bình của thế giới (52,9% so với 33,8%), trong khi tỷ trọng sản lượng điện gió và điện năng lượng mặt trời chỉ xấp xỉ một nửa của thế giới (5,4% so với 9,4%). Việc liên tục gia tăng công suất và sản lượng điện than đã đưa Việt Nam thành “cường quốc nhiệt điện”, dù quy mô hệ thống điện nước ta chỉ xếp thứ 23 thế giới. ( Nguồn: cafef.vn)

Với đề xuất trong Quy hoạch Điện VIII tháng 10 vừa rồi ” khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo”  vào năm 2030 của Bộ Công Thương, một số chuyên gia vừa qua lên tiếng cho rằng, bản dự thảo là bước lùi. Phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ còn tăng liên tục, thấy rõ nguy cơ đưa lượng phát thải khổng lồ này về 0 sau đó 5 năm (2050) là điều phi thực tế.

Giữ đúng cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26

Để ngành năng lượng có thể góp phần đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị tCOP 26 vừa qua, Việt Nam đang quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng đến xây dựng một nền năng lượng xanh, sạch và bền vững. Và Quy hoạch điện VIII đã và đang thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt theo cam kết của Chính phủ, đó là kiên định với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đó, một số quan điểm lớn trong Quy hoạch điện VIII sẽ được điều chỉnh là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Sẽ xem xét lại việc phát triển điện năng lượng mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế, chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2019 – 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời và điện gió. Thành công ban đầu của Việt Nam trong phát triển điện năng lượng mặt trời và điện gió là rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục phát huy.

Để tiến tới mục tiêu Net Zero, nhu cầu về điện có thể được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện năng lượng mặt trời, cũng như thủy điện, pin tích trữ, hệ thống lưu trữ điện cho các doanh nghiệp và các công nghệ khác. Đây cũng là hướng đi Việt Nam có thể hướng tới.

Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định và mở rộng phạm vi cam kết tăng công suất năng lượng tái tạo để không chỉ dừng lại ở việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời –  hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo. Giai đoạn mở rộng năng lượng tiếp theo của Việt Nam sẽ đòi hỏi các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật phức tạp hơn, đối với cả điện năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ.

“COP26 là viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu. Hội nghị COP26 có thể là cơ hội cho những hành động cứu Trái đất có ý nghĩa. Hơn 100 lãnh đạo thế giới được kỳ vọng sẽ có mặt để đưa ra những cam kết của mình.”