Cần lưu ý vấn đề gì sau khi quy hoạch điện VIII được thông qua?
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được phê duyệt. Cùng điện mặt trời Tech South điểm qua những nội dung quan trọng cần lưu ý sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sau đây nhé.
Theo TS Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh chia sẻ, “Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí… Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII cũng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà.
Một số cơ chế quan trọng trong Quy hoạch điện VIII
Trong nội dung Quy hoạch điện VIII có 3 nhóm cơ chế (đầu tư, huy động vốn, đảm bảo vận hành) và 13 giải pháp thực hiện quy hoạch với nhiều điểm quy định cụ thể, khá chi tiết về luật, chính sách, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu, giải pháp khoa học, công nghệ, nội địa hóa công nghệ thiết bị, giải pháp tạo và huy động nguồn vốn, bảo vệ môi trường v.v… Đặc biệt, trong Quy hoạch lần này đã bổ sung thêm giải pháp về chuyển đổi năng lượng công bằng theo JETP (Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng) mà Việt Nam đã ký kết.
Theo chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, một số cơ chế được đề xuất trong Quy hoạch lần này là rất cần thiết và quan trọng. Cụ thể:
- Hoàn thiện công cụ tài chính đối với các loại phát thải trong ngành điện (ví dụ thuế CO2), cần thiết để khuyến khích nghiên cứu, áp dụng vào thực tế các loại công nghệ, nhiên liệu sạch hay không phát thải khí nhà kính.
- Cơ chế đấu thầu để các nguồn năng lượng tái tạo được tiếp tục phát triển, tránh đứt gãy quá trình.
- Hoàn thiện khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải.
- Cơ chế dịch vụ phụ trợ hệ thống điện như: Tăng độ linh hoạt của các nguồn điện hiện có, phát triển các nguồn linh hoạt, hệ thống pin lưu trữ, đáp ứng phụ tải (DR).
Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và những điểm cần lưu ý
Như chúng ta đều biết, trong nội dung kết luận cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch điện VIII (ngày 4/5/2023), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Chủ tịch Hội đồng) đã đánh giá: Đây là một quy hoạch có độ phức tạp cao, được các địa phương rất quan tâm, đồng thời lưu ý Bộ Công Thương xem xét hoàn chỉnh thêm một số vấn đề. Cụ thể:
- Đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân chậm tiến độ các dự án điện vừa qua để khắc phục khi thực hiện QHĐ VIII.
- Nhu cầu điện đã và đang chững lại có nguyên nhân từ tác động của dịch Covid, nhưng cần tính đến phụ tải điện có thể tăng cao vào mùa nắng nóng sắp tới, trong khi là mùa ít nước của thủy điện.
- Việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là tất yếu. Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng, cần tham gia với cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu, không thể đứng ngoài cuộc. Tương lai gần các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, sang Mỹ sẽ phải chịu giám sát về “dấu chân carbon”, bổ sung thêm thuế carbon nếu không chuyển dịch sang hướng “xanh”.
Mặt khác, cần cập nhật, tận dụng tối đa vốn hỗ trợ Việt Nam trong Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP), với quy mô 15,5 tỷ USD trong 3 đến 5 năm tới để đẩy sớm đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 và sau đó giảm dần phát thải v.v…
- Ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương cần có công cụ, giải pháp để triển khai lập tức kế hoạch chi tiết 5 năm để thực hiện quy hoạch, trong đó xác định kế hoạch chi tiết về lộ trình, địa điểm, nhu cầu sử dụng điện, dự án ưu tiên… dựa trên hiệu quả kinh tế; tính tối ưu tổng thể giữa nguồn, hạ tầng truyền tải và phụ tải; giải pháp tiêu thụ điện linh hoạt; sự phát triển các công nghệ mới…
- Cần đẩy mạnh “quản trị công, quản trị tư” trong phát triển lưới truyền tải, nghiên cứu mô hình bán điện trực tiếp, bởi đây đang là điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo.
- Cần làm rõ hơn kịch bản trung hòa carbon vào năm 2050 với phát thải từ các ngành năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và hấp thụ CO2 từ việc trồng rừng, bảo vệ, làm giàu rừng…
Cuối cùng, là đề xuất chính sách để các doanh nghiệp năng lượng lớn của Việt Nam thí điểm hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, từng bước làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị, hạ tầng truyền tải để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh gắn với các khu công nghiệp tập trung, phát triển Việt Nam thành trung tâm năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
*Nguồn tham khảo:
[1] Đề án: Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 của Viện Năng Lượng, Bộ Công Thương.
[2] Quyết định số 500/QĐ – TTg của Thủ Tưởng Chính Phủ về Quy hoạch điện VIII
[3] Năng lượng Việt Nam